Thêm 23.000 ha đất công nghiệp ở khu vực phía Nam
05/01/2024 (0) Nhận xétThị trường bất động sản công nghiệp phía Nam đang "nóng" lên với sự tham gia rót vốn của nhiều nhà phát triển dự án trong nước và quốc tế, đặc biệt ở phân khúc hạng A..
Sau nhiều năm phát triển nhà ở tại Việt Nam, ông Ronald Tay, Tổng giám đốc CapitaLand Development Việt Nam, cho biết doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các khối tài sản phục vụ nền kinh tế mới như khu công nghiệp, khu logistics, trung tâm dữ liệu trong 5 năm tới.
"Đây là tham vọng rất lớn của chúng tôi để gia tăng giá trị lẫn tỷ trọng tài sản của tập đoàn tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy các yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhờ vào quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và dân số trẻ", ông Ronald Tay chia sẻ với báo giới mới đây.
Trong khi đó, một chủ đầu tư trong nước là Phát Đạt cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp theo mô hình mới, mang tính đồng bộ.
Doanh nghiệp vừa được tỉnh Đồng Tháp chấp thuận cho nghiên cứu đề xuất đầu tư 3 dự án gồm Khu công nghiệp Cao Lãnh, Cao Lãnh II và Cao Lãnh III. Với tổng quy mô cả 3 dự án khoảng 2.000 ha, mức đầu tư gần 15.000 tỷ đồng. Phát Đạt dự kiến khởi công giai đoạn 1 trong năm 2024 với quy mô 1.000 ha.
Trước đó, chủ đầu tư này cũng nghiên cứu đề xuất dự án Cụm công nghiệp Hàm Ninh (Phú Quốc) hơn 59 ha dự kiến khởi công năm 2023, trong khi Kho bãi tổng hợp - dịch vụ logistics Tài Tiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) quy mô 24 ha đang trong giai đoạn triển khai xây dựng.
Theo ước tính của Cushman & Wakefield, khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận sẽ có khoảng 23.000 ha nguồn cung bất động sản công nghiệp đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Trong đó, bà Trang Bùi, tổng giám đốc, nhấn mạnh các nhà xưởng, nhà kho, đất công nghiệp tương lai chủ yếu tập trung ở khu vực gần cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), sân bay Long Thành (Đồng Nai) và TP Dĩ An (Bình Dương). Xu hướng mở rộng thị trường công nghiệp không chỉ giải tỏa công suất cho TP.HCM, mà còn thúc đẩy tiềm năng xã hội và gia tăng việc làm ở các địa phương khác.
Tính đến hết quý I/2022, tổng nguồn cung đất công nghiệp tại TP.HCM và 4 tỉnh trọng điểm phía Nam gồm Đồng Nai, Long An, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 25.200 ha. Giá thuê đất công nghiệp trung bình đạt 135 USD/m2/thời hạn thuê, tăng 3% so với quý I/2021.
Trong khi đó, tổng diện tích nhà xưởng và nhà kho lần lượt tăng 13% và 25%, đạt trên 4,1 triệu m2 và 3,5 triệu m2 sàn. Giá thuê nhà xưởng trung bình đạt 4,7 USD/m2/tháng, còn giá thuê nhà kho là 3,9 USD/m2/tháng.
"Mặc dù nguồn cung bất động sản công nghiệp đang có tốc độ tăng trưởng khả quan, hơn 50% thuộc phân khúc hạng B và C, không đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, đặc biệt các doanh nghiệp FDI. Đây là lý do các chủ đầu tư đang có xu hướng tập trung vào nhà xưởng, nhà kho hạng A", bà Trang Bùi cho biết.
Cũng theo vị này, thị trường còn thiếu nguồn cung kho lạnh, vốn là động lực cho nhiều lĩnh vực kinh tế thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp, thủy hải sản, thực phẩm...
Đến cuối tháng 3, tổng nguồn cung đạt 820 nghìn pallet với tỷ lệ lấp đầy 95%. Bà ước tính con số này sẽ chạm mốc 1,3 triệu pallet vào năm 2025, nhờ các chủ đầu tư đầu ngành như AJ Total, Meito, Gemadept, ABA Cooltrans, CJ...
"Trong 3 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định cho thị trường bất động sản như Nghị định 02/2022, Nghị định 16/2022. Đây là một bước để đơn giản hóa thủ tục kinh doanh bất động sản, đồng thời gỡ vướng pháp lý cho các dự án. Với nền kinh tế đã trở lại đúng hướng, thị trường bất động sản cũng quy tụ các động lực phát triển trong 18 tháng tiếp theo.
Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang hướng tâm điểm đến Việt Nam với nhiều tập đoàn đang nỗ lực tìm hiểu thị trường và cố gắng để có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường", đại diện Cushman & Wakefield nhận định.
Nhận xét
Đăng nhận xét